Khép lại năm 2017, với kết quả kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ cán mức 8 tỷ USD và lấy lại được đà tăng trưởng 2 con số là 10,2%, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí quan trọng của mình. Kết quả trên đã giúp ngành về đích trước 3 năm so với kế hoạch đề ra trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.
Nắm bắt thời cơ
Tại lễ mừng xuất khẩu lâm sản Việt Nam về đích trước kế hoạch và triển vọng ngành chế biến gỗ giai đoạn 2018-2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020.
Hiện gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 thế giới.
Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của ngành chế biến gỗ trong việc sản xuất, tuân thủ các quy định quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng chúng ta đã có đủ cơ sở cho việc hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp, đa dạng sinh học.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG
Trước mắt, ngành lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng cần thực hiện mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa năm 2020 như kế hoạch “Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020”.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo nhận định những người trong cuộc, ngành này đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, cả về xu hướng thị trường cũng như tiềm lực sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết nhu cầu thị trường đồ nội thất thế giới vẫn còn rất lớn với vài trăm tỷ USD/năm; tiềm năng doanh nghiệp (DN) còn nhiều; sản xuất đồ nội thất lại là nghề truyền thống, lao động phù hợp, là động lực phát triển nông thôn thông qua kinh tế lâm nghiệp.
Có thể nói, đây là thế mạnh của Việt Nam khi năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt, khả năng tăng thị phần còn nhiều. Vài năm qua, trừ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các khu vực sản xuất đồ gỗ trên thế giới đều không tăng, các nước có thế mạnh ở châu Âu như Đức, Ý… bị giảm sản xuất vì chi phí đầu vào tăng.
Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất thế giới – bắt đầu đánh thuế xuất khẩu. Cộng thêm, Trung Quốc đang bị kiện bán phá giá tại Mỹ, làm cho đồ nội thất nước này giảm sức cạnh tranh.
Trong khi đó, Malaysia (cạnh tranh trực tiếp ở khu vực Đông Nam Á với Việt Nam) mặc dù có chiến lược rõ ràng nhưng lại khan hiếm lao động. Đây là cơ hội cần nắm bắt để phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Lường trước thách thức
Với sự ổn định về chính sách (như Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua (năm 2017), nâng mức thuế xuất khẩu lâm sản thô, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký), hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến trong thời gian có nhiều cơ hội mở rộng thị phần. Cùng với đó, các ngành liên quan như bao bì, logistics, thương mại… cũng có thêm điều kiện phát triển.
Nhưng bên cạnh thuận lợi, chúng ta cũng cần lường trước những thách thức. Việc Mỹ – thị trường nhập khẩu lớn nhất – giảm thuế thu nhập DN từ 35% xuống 25% để hỗ trợ cho các ngành sản xuất bản địa là điều cần quan tâm.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG
Thị trường EU không tăng nhiều, đồng EUR biến động, gây khó cho việc nhập khẩu từ Việt Nam. Việc xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ, viên nén gỗ có thể biến động mạnh, vì vậy cần tìm thêm thị trường mới. Nhiều DN Trung Quốc muốn chuyển việc sản xuất sang Việt Nam (thông qua liên doanh, liên kết) để tận dụng ưu thế tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến thị trường lao động và nguyên liệu trong nước, có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, DN phải đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng chuyên môn hóa và tự động hóa để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng và cải thiện môi trường sản xuất, giảm chi phí lao động. Từng bước tăng cường năng lực thiết kế, bổ sung nguyên vật liệu mới để sản phẩm đa dạng và có giá trị hơn. Có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh để thâm nhập vào phân khúc thị trường cao cấp hơn. Cải tiến hệ thống quản trị DN, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình hoạt động và quản lý.
Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để hạn chế biến động giá cả, ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng nhằm phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp.
Đồng thời, các hiệp hội và cộng đồng DN cần nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng, đưa ngành chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất bền vững bằng nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Không chỉ ngành lâm nghiệp, DN cũng phải đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, như cách làm của Công ty Scansia Pacific; rà soát lại đất đai sở hữu nhà nước giao DN trồng rừng, tạo sự tập trung trong phát triển. Theo nhiều chuyên gia, cần sớm tổng kết các mô hình liên kết theo chuỗi thành công để nhân rộng. Đồng thời, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn quản trị rừng bền vững để cấp chứng chỉ của Việt Nam. Tổng cục Lâm nghiệp ban hành các biểu mẫu xác nhận gỗ hợp pháp thống nhất trong cả nước, để các DN thực hiện trách nhiệm giải trình dễ dàng hơn.
CÔNG PHIÊN