Chương trình hành động Thực thi FLEGT của EU. Mục đích của Hiệp định là đảm bảo gỗ và đồ gỗ vào EU có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời hỗ trợ duy trì và mở rộng xuất khẩu gỗ, đồ gỗ của Việt Nam từ ngày 3/3/2013.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại, FLEGT là “giấy phép con” sẽ cản trở xuất khẩu gỗ vào EU, thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam. Song theo ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng đoàn đàm phán VPA Việt Nam, mục tiêu cao nhất của VPA không phải là gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà là tăng cường bảo vệ doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, giúp họ tăng giá trị gia tăng sản phẩm.
Từng lo ngại FLEGT sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ nội thất Pisico (Quy Nhơn), doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU, Mỹ, lại rất mong FLEGT sớm có hiệu lực. Để chứng minh nguồn gốc gỗ xuất khẩu là hợp pháp, Pisico phải bỏ ra 8.000 USD để được cấp chứng chỉ FSC (chứng chỉ Quản lý rừng của Hội đồng Chứng chỉ rừng quốc tế) và thêm 3.000 USD để duy trì chứng chỉ này mỗi năm. Trong khi đó, với chứng chỉ FLEGT, doanh nghiệp không mất chi phí.
FLEGT Không phải giấy phép con
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô cũng cho hay, để đạt được chứng chỉ FSC rất khó, ngoài việc tốn kém, rào cản lớn nhất là hàng rào pháp lý. Trong khi đó, nếu đàm phán VPA thành công, Công ty sẽ không phải tốn thời gian và tiền bạc để có các chứng chỉ rừng, lại rất thuận lợi trong quản lý, sử dụng rừng theo hướng bền vững.
“Qua đàm phán, EU đã đồng ý đơn vị cấp chứng chỉ FLEGT ở Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước. Có thể sẽ cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp đã được kiểm tra, xác minh chấp hành đúng pháp luật theo cách cấp hạn ngạch trong một giai đoạn nhất định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Còn những doanh nghiệp làm ăn không thường xuyên, hoặc chưa chứng minh được tính hợp pháp đó, thì chỉ được cấp chứng chỉ theo từng chuyến hàng xuất khẩu”, ông Hà Công Tuấn cho biết.