Trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, chiều 28.6, tại thành phố Quy Nhơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA) đã phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển theo hướng bền vững”.
Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, chuyên gia về ngành chế biến gỗ và lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong và ngoài nước và một số tổ chức quốc tế về lâm nghiệp, về chế biến gỗ.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định và Ông Nguyễn Văn Đẳng, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cùng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển theo hướng bền vững”
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe báo cáo về quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cập nhật tiến trình đàm phán VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU; các tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực chế biến gỗ và lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến gỗ của Bình Định và Việt Nam,…. Các báo cáo và tham luận đã nêu lên thực trạng, cũng như một số thách thức đối với ngành dăm gỗ nói riêng và ngành chế biến gỗ Việt Nam nói chung, các giải pháp phát triển ngành này trong tương lai, kể cả việc hoàn thiện và đổi mới chính sách lâm nghiệp nhằm phát triển ngành chế biến gỗ Việt Nam bền vững hơn nữa.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng mặc dù việc chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt ở 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2012 đạt 4,67 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 6 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm gỗ….
Tuy nhiên, sự phát triển này còn thiếu bền vững, tồn tại nhiều rủi ro cần được quy hoạch lại cho phù hợp. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dăm gỗ đã có những đóng góp nhất định cho việc phát triển rừng trồng, song việc phát triển quá nóng của ngành này dân đến những sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở chế biến dăm gỗ với nhau và giữa các cơ sở chế biến dăm với các ngành chế biến gỗ khác có sử dụng nguyên liệu là gỗ rừng trồng. Việc quy hoạch và phát triển bền vững ngành này là cần thiết, song phải có lộ trình phù hợp, bảo đảm được cả lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người trồng rừng.
Trước mắt các địa phương không nên cấp phép xây dựng mới các cơ sở chế biến dăm gỗ nữa. Trong thời gian tới cần phát triển thêm các cơ sở chế biến gỗ ghép thanh, đồng thời nghiên cứu các sản phẩm mới tận dụng dược các nguồn phế, phụ phẩm từ chế biến. Các làng nghề chế biến gỗ cũng cần phải chuyển hướng sử dụng nguyên liệu và tạo ra các sản phẩm phù hợp với nguồn nguyên liệu gỗ trong tương lai.