Để kịp các đơn hàng cuối năm, những ngày này, các cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ luôn nhịp nhàng tiếng máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo “lốc cốc”. Sản phẩm gỗ của “làng” mộc Tân Biên – Tân Hòa ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng từ giường, tủ, bàn ghế đến các vật dụng nhỏ bé, như: thuyền buồm, cỗ xe để rượu…
Các sản phẩm làm từ gỗ luôn được người tiêu dùng yêu chuộng, sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc, từ gia đình đến văn phòng, biệt thự. Từ những khối gỗ khô khốc, người thợ mộc đã thổi hồn vào đó, biến chúng thành những tác phẩm tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ linh (long, lân, quy, phụng) đầy vẻ sống động trong đường nét tinh xảo.
* Nghệ sĩ… dùi đục
Công việc nào cũng cần những người làm có sức khỏe, nhưng với nghề mộc, điều quan trọng ngoài sức khỏe là khả năng sáng tạo, biết thăng hoa với tác phẩm (sản phẩm) của mình làm ra.
Năm nay đã 67 tuổi, hiện làm chủ một xưởng gỗ lớn, nhưng ông Ngô Văn Xuân (ngụ phường Tân Hòa) chưa bao giờ từ bỏ thói quen dùng đôi tay nhăn nheo của mình cẩn thận kiểm tra chất lượng sản phẩm trong xưởng. Với ông, một tấm phù điêu tuyệt sắc không phải nhìn bằng mắt thường, mà phải cảm nhận bằng tâm thái của mình. Những yếu tố đó tạo ra phong cách, sắc thái riêng của người thợ mộc. Ông Xuân cho biết, bây giờ dù có các loại máy cưa, bào, soi chỉ… hỗ trợ các bước bào, đục, đẽo, chạm trổ…, nhưng đến công đoạn “thẩm định”, cánh thợ mộc vẫn dùng tay trần để vân vê từng sản phẩm. “Người thợ tâm huyết sẽ chọn cách làm như vậy, họ gửi cả tình yêu nghề vào trong từng đường nét, họa tiết của gỗ. Ngày xưa, để giữ độ bền, bóng, người ta không dùng véc-ni như bây giờ, mà dùng sáp (đèn cầy) đánh thật bóng, nên giữ được độ bền lâu hơn nhiều” – ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, khoảng chục năm trở lại đây, nghề mộc đã đỡ nhọc nhằn hơn trước, nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Tuy nhiên, với những sản phẩm phức tạp và giàu tính mỹ thuật thì bàn tay, khối óc con người vẫn đóng vai trò quan trọng. Để làm được bộ bàn ghế tựa thế đào, trúc…, ông cùng những người thợ của mình phải mất hàng tháng ngồi đục, gọt, tách tỉa… rồi đánh bóng tới từng chi tiết của sản phẩm.
Không chỉ đòi hỏi có đôi mắt tinh anh và tính kiên trì cao, năng khiếu bẩm sinh còn là yếu tố quan trọng làm nên thành công đối với người thợ mộc. Mái tóc buông dài, đôi bàn tay đang uốn lượn theo từng đường nét sản phẩm còn dở dang, anh Nguyễn Văn Long (37 tuổi, ngụ phường Tân Biên) tâm sự, 15 tuổi anh đã khăn gói theo cha học nghề mộc. Ngày ấy, nghề mộc đắc dụng nên người theo học rất đông. Thế nhưng, theo thời gian, số thợ còn trụ lại với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì nghề này đòi hỏi người thợ rất nhiều ở tính tỉ mỉ và sự kiên nhẫn.
Hình ảnh tại làng mộc
Nhìn bề ngoài, mỗi người thợ mộc đều có vẻ phong trần, bụi bặm, nhưng bên trong họ lại chất chứa tình yêu nghề, cái chất nghệ sĩ luôn có sẵn trong mỗi người làm mộc. “Không phải muốn học, muốn làm đều thành danh đâu. Mỗi người có một sức sáng tạo riêng, có thế mới cho ra những tác phẩm tinh xảo, để đời” – anh Long cho hay.
* Phố có nhiều nghề
Mấy năm gần đây, nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mộc gia dụng dần trở thành cái nghề ăn nên làm ra. Ở các phường Tân Hòa, Tân Biên…, dịp này luôn rộn ràng tiếng máy cưa, tiện, đục đẽo…, chuẩn bị cho những đơn hàng cuối năm.
Anh Trần Văn Thương (43 tuổi, ngụ phường Tân Biên) cho biết, gia đình anh đã 4 đời gắn bó với nghề mộc. Kể về cái duyên lập nghiệp, anh Thương cho hay: “Ở đây, không chỉ mỗi mình tôi, mà có đến hàng trăm hộ theo nghề mộc. Lâu dần, nơi đây trở thành “làng” mộc lúc nào không hay. Nhờ có đường nhựa sát quốc lộ 1, rộng đủ để xe tải vào “ăn hàng”, nên sản phẩm nơi đây làm ra được chở đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung”.
Còn ông Hùng (57 tuổi, chủ Cửa hàng nội thất Hùng Đặng, KP.9, phường Tân Hòa) cho hay, “làng” mộc hình thành gần 20-30 năm nay và trở thành nơi cung cấp đồ gỗ gia dụng nổi tiếng, được các khách hàng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh… biết đến.
Nghề mộc hiện nay ở đây đã có sự thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng, cả về chất lượng lẫn thẩm mỹ. Thoát khỏi những khuôn phép của vật liệu gỗ, những người thợ mộc đã tạo cho những sản phẩm làm ra những nét đặc trưng riêng, khác biệt. Các sản phẩm luôn được sáng tạo với nhiều mẫu mã mới, chú trọng những sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, mang tính lưu niệm để cung ứng cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch.
Sản phẩm đã hoàn thành, chờ thương lái đến đưa đi
Ngụ phường Tân Hòa Xưởng mộc của anh Ngô Văn Mạnh từ mấy năm nay đã làm thêm mô hình thuyền buồm bằng gỗ. Nhờ có tay nghề mộc nên khi làm thuyền buồm gỗ, anh chỉ học qua công việc thực tế và tay nghề nâng dần đến thợ phó, rồi thợ cả. Cầm trên tay chiếc thuyền buồm đang làm dang dở, anh Mạnh chia sẻ: “Tôi học nghề làm thuyền buồm bằng gỗ từ người bà con, nhưng công việc lúc đầu rất khó, vì thuyền buồm có thiết kế phức tạp, từ định hình mô hình cho tới làm thân, cánh buồm, tất cả đều cần phải rất tỉ mỉ, khéo léo mới có sản phẩm đẹp. Đó là chưa kể yêu cầu khắt khe, khác lạ từ phía khách hàng”.
Xưởng của anh Mạnh có 5 thợ làm công đoạn tạo khung thuyền buồm, như: cắt, xẻ, mài gỗ… với các loại máy móc từ máy từ cưa cắt đến chà, đánh bóng đều nhỏ gọn. “Ở đây, không chỉ mình tôi, mà có rất nhiều cơ sở vừa làm mộc, vừa làm thuyền buồm mô hình hay các cỗ xe rượu kiểu nước ngoài. Mỗi sản phẩm bán ra trên thị trường có giá từ vài trăm ngàn đến 4-5 triệu đồng. Các đồ vật đều rất nhỏ, nhưng luôn có những kiểu dáng riêng, độc đáo khác nhau, tùy theo thị hiếu của người dùng. Nhờ nghề mộc mà các anh em thợ mộc luôn có việc làm quanh năm” – anh Mạnh cho hay.
Theo báo Đồng nai