Mỗi năm nước ta mất khoảng 700 triệu USD để nhập khẩu phụ liệu, phụ kiện cho ngành chế biến gỗ, gồm: keo dán gỗ, sơn phủ bề mặt gỗ, khóa, đinh vít, bản lề… Là một ngành kinh tế mạnh với kim ngạch xuất khẩu hơn 4,5 tỷ USD/năm, thế nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một nền công nghiệp phụ trợ phù hợp cho sản xuất đồ gỗ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong công nghiệp chế biến gỗ, ngoài nguyên liệu chính và gỗ ra, còn cần rất nhiều vật liệu phụ khác, gồm keo dán gỗ, các loại chất sơn phủ bề mặt, các loại phụ kiện như ngũ kim, đinh vít, ốc vít, ke, bản lề, khóa, tay nắm… Các loạt vật liệu ngoài gỗ, nhất là keo gắn gỗ có thể đóng góp đến 30-35% giá trị sản phẩm của ngành chế biến gỗ nhân tạo. Còn trong sản xuất đồ mộc, các loại phụ kiện chiếm đến 30-40% giá trị của sản phẩm.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam đạt tới 4,67 tỷ USD, thế nhưng nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu cũng rất lớn, với 1,37 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu và 700 triệu USD để nhập khẩu phụ liệu, phụ kiện. Trong 6 tháng đầu năm 2013, chế biến gỗ vẫn là ngành có sức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông lâm thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,46 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012. Để phục vụ cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm nay nước ta cũng đã phải chi 689 triệu USD để nhập gỗ nguyên liệu và khoảng 360 triệu USD để nhập phụ liệu, phụ kiện.
Thiếu công nghệ hỗ trợ của ngành chế biến gỗ Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng chế biến của Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối nhận định: Cũng như đối với các ngành chế biến, chế tạo nói chung, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển của ngành chế biến gỗ. Để có thể phát triển ngành chế biến gỗ một cách hiện đại theo hướng công nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao thì điều quan trọng là phải xem xét và có động thái đúng đắn cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho chế biến gỗ. Thế nhưng, cho đến nay, nước ta vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu, điều tra nào đánh giá về thực trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ phụ vụ cho chế biến gỗ.
Trong sản xuất ván nhân tạo, keo dán gỗ là một loại vật liệu không thể thiếu, quyết định đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trung bình để sản xuất ra 1 m3 sản phẩm ván dán cần sử dụng 100 kg keo Urea – Formaldehyde; với ván dăm cần 90-100 kg keo, 8-10 kg chất chống ẩm, 2 kg chất đóng rắn clorua amon; với ván MDF cần 80-100 kg keo, 10 kg paraffin, 1,7-2 kg chất đóng rắn.
Trong “Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020”, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015: sản xuất ván dăm đạt 100.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi đạt 1,2 triệu m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh đạt 800.000 m3 sản phẩm/năm; các loại gỗ nhân tạo khác đạt 200.000 m3/năm. Trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu công suất ván dăm đạt 100.000 m3/năm; ván sợi đạt 1,8 triệu m3/năm; gỗ ghép thanh đạt 1,5 triệu m3/năm; các loại gỗ nhân tạo khác đạt 500.000 m3/năm. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành chế biến gỗ nước ta cần tới 250 nghìn tấn keo dán gỗ; 5 nghìn tấn chất đóng rắn, hàng chục nghìn tấn chất chống ẩm.
Mỗi m2 đồ gỗ cần sử dụng 250 gr chất sơn phủ bề mặt và nhiều loại phụ kiện làm bóng khác, nên nhu cầu loại phụ liệu này cũng lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Thực tế cho thấy, cho đến nay ngoài một số nhà máy chế biến keo và chất sơn phủ bề mặt ở Bình Dương và một số địa phương khác, nhưng tổng sản lượng trong nước mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu cần dùng. Có tới 90% khối lượng keo dán gỗ, chất sơn phủ bề mặt hiện đang phải nhập khẩu, tiêu tốn tới gần 400 triệu USD mỗi năm.
Việt Nam thiếu công nghệ hỗ trợ của ngành chế biến gỗ
Trong nước cũng hầu như chưa có bất cứ nhà máy công nghiệp nào chuyên sản xuất các loại phụ kiện dành riêng cho sản xuất đồ mộc, ngoài một số cơ sở nhỏ sản xuất khóa, tay nắm, chemon… với khối lượng không nhiều và chất lượng cũng rất kém. Hầu hết các loại phụ kiện này đều do các làng nghề kim khí cung cấp hoặc được nhập về từ Trung Quốc nên chất lượng không cao, khó có thể sử dụng cho sản xuất đồ mộc cao cấp, đồ gỗ xuất khẩu được.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, hiện nước ta vẫn thiếu một chính sách nhất quán và hiệu quả cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ đối với chế biến gỗ nói riêng. Mặc dù, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 12/2011/QD-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong khi đó, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 được Thủ tướng phê duyệt mặc dù đã đề cập khá mạnh mẽ đến ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhưng lại chưa đề cập chút nào đến việc phát triển công nghiệp gỗ trợ cho ngành này.
Theo ông Dũng, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đang xây dựng đề xuất định hướng ban đầu cho phát triển công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực chế biến gỗ.
Thứ nhất, cần hoạch định một chiến lược phù hợp, trong giai đoanh từ nay đến năm 2020, cần chú trọng phát triển sản xuất trong nước các loại keo dán gỗ phục vụ cho định hướng phát triển ván nhân tạo và đồ mộc nội thất. Cùng với đó là xây dựng các cơ sở ban đầu để phát triển công nghiệp chế tạo các loại hóa chất sơn phủ bề mặt có độ an toàn cao đối với người sử dụng, cũng như các phụ kiện kim khí để giảm nhập khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đồ gỗ, tham gia một phần trong sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho chế biến gỗ, bao gồm ưu đãi về thuế, về đầu tư, ưu đãi trong nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, ưu đãi trong thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI đến từ các nền sản xuất tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể tạo ra những công nghệ mới sản xuất các sản phẩm hỗ trợ có trình độ cao, chất lượng đáp ứng được yêu cầu thị trường với giá thành phù hợp, nhằm trợ giúp các cơ sở sản xuất phụ kiện, phụ gia cho chế biến gỗ, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tất thảy, nhằm tạo cơ sở vững chắc tiến tới xây dựng được một ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.
Thời báo Kinh tế Việt Nam