Trung Quốc vô tình tạo ra nạn phá rừng khắp thế giới?

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với gỗ nhập khẩu đã tăng gấp ba kể từ năm 2000 đến nay, lên tới 180 triệu mét khối hồi năm ngoái. IEA cho hay có ít nhất 10% số lượng gỗ nhập khẩu này xuất phát từ các nguồn bất hợp pháp

Việc bảo tồn các cánh rừng trên khắp thế giới nay tùy thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới.


“Trung Quốc là quốc gia mua gỗ lớn nhất thế giới, như thế có nghĩa là các tiến triển trong nỗ lực bài trừ nạn phá rừng bất hợp pháp tùy thuộc vào các biện pháp họ đưa ra”- Tổ chức Điều tra về Môi trường (IEA), có trụ sở đặt tại London (Anh), cho biết trong bản báo cáo công bố ở Bắc Kinh mới đây.
Theo báo cáo của IEA, các nước ở xa Trung Quốc như Mozambique ở châu Phi, quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương, đến các quốc gia gần hơn như Myanmar, Lào và các nước láng giềng khác của Trung Quốc đều đang rơi vào tình trạng gỗ quý và các loại cây khác bị chặt vô tội vạ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của người Trung Quốc.


Ở một số các quốc gia, IEA nhận thấy rằng giới mua gỗ lậu người Trung Quốc đã bất chấp các thỏa thuận quốc tế trong ngăn chặn nạn buôn bán gỗ và xuất khẩu các loại gỗ quý bất hợp pháp bằng việc thưởng tiền và thông qua mạng lưới buôn lậu gỗ.


IEA nói rằng Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu, tiêu thụ, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất thế giới. Do nguồn cung nội địa ít, Trung Quốc chuyển hướng sang các quốc gia khác nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt này.


Dựa trên các cuộc điều tra của riêng mình, kết hợp với phân tích dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan Trung Quốc, báo cáo này bổ sung gỗ vào danh sách các nguyên liệu mà Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ và đang khiến thế giới thay đổi.

 

Trung Quốc vô tình tạo ra nạn phá rừng khắp thế giới?

Trung Quốc vô tình tạo ra nạn phá rừng khắp thế giới?


Nhu cầu gỗ của Trung Quốc tăng do sự phát triển nóng của quốc gia này trong 15 năm qua. Báo cáo cho rằng hiện nay, để giải quyết những vấn đề về môi trường, Trung Quốc cần quản lý chặt chẽ hơn gỗ tròn và xây dựng kế hoạch trồng rừng với quy mô lớn.


Nhìn chung, báo cáo đánh giá Trung Quốc hiện đang vô hình trung đẩy nhanh nạn phá rừng trên thế giới. Điều này khiến các nước gặp khó khăn trong việc bảo vệ nguồn gỗ quý, đa dạng sinh học.


Trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng với những chỉ trích rằng Trung Quốc săn nguyên liệu của các quốc gia đang phát triển bằng việc nói rằng thương mại là hai bên cùng có lợi, tạo thu nhập và việc làm cho các nhà cung cấp.


Các cơ quan hữu quan của Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận và nói họ chưa thấy báo cáo này; đồng thời, yêu cầu các câu hỏi liên quan cần được thể hiện bằng văn bản.

 

Th.Long (Theo AP, AFP)
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline Facebook Zalo youtube