Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỉ USD trong năm 2015, và gần 6 tỉ USD trong 10 tháng năm 2016.
Ngày đăng: 02-12-2016
1,095 lượt xem
Chế biến gỗ xuất khẩu đã trở thành một trong những ngành hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đồng thời từng bước khẳng định vị thế ngành hàng trên thị trường quốc tế. Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỉ USD trong năm 2015, và gần 6 tỉ USD trong 10 tháng năm 2016. Mặc dù vậy, những con số đó vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của chế biến gỗ Việt Nam. Thời gian tới, chế biến gỗ Việt Nam có những cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển và xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), đến thời điểm hiện tại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) – đây được coi là “giấy thông hành” để gỗ Việt Nam vào thị trường EU.
Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tính hợp pháp của tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, nâng cao thương hiệu và hình ảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
Tuy nhiên, để có được tấm “giấy thông hành” đã khó, giữ được còn khó hơn. Hiện cả nước có gần 3.900 cơ sở chế biến gỗ các loại, nhưng có tới 95% thuộc sở hữu tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có 5% thuộc sở hữu nhà nước. Nếu xét trên quy mô vốn đầu tư thì có hơn 93% tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 5,5% có quy mô vừa, và chỉ có 1,2% số doanh nghiệp có quy mô lớn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần rà soát, tổ chức quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu, không để phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng, nhất là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Từng bước nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng trong nước và nước ngoài, xây dựng thương hiệu bền vững và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm xuất khẩu. Mỗi vùng, hay khu vực cần chọn một làng nghề gỗ, hay một doanh nghiệp đủ năng lực làm đầu đàn tổ chức, hợp tác sản xuất, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ chế biến xuất khẩu; xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với các phân khúc thị trường; cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm ổn định và mở rộng thị trường.
Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về máy móc thiết bị chuyên ngành chế biến gỗ tại Việt Nam (Vietnamwood) sẽ được tổ chức từ ngày 18 – 21.10.2017 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC), Q.7, TP.HCM. Triển lãm Vietnamwood 2017 giai đoạn đầu đã bán được gần 75% gian hàng và đang dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trưng bày để giới thiệu những máy móc thiết bị, kỹ thuật và các dịch vụ tiên tiến hơn từ khắp thế giới.
Vietnamwood đã tổ chức thành công 11 kỳ liên tiếp trên khắp thế giới nhưng đây là lần triển lãm chế biến gỗ đầu tiên tại Việt Nam với sự hợp tác của VINEXAD, Công ty Triển lãm quốc tế Chan Chao, Công ty Thương mại và dịch vụ tiếp thị Yorkers và hỗ trợ độc quyền từ Liên đoàn Các nhà sản xuất thiết bị chế biến gỗ châu Âu (EUMABOIS).
P.A - Vfpress.vn
Gửi bình luận của bạn