Đồ gỗ Việt nam thuận đường vào EU

VPA/FLEGT: Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) tham gia kế hoạch hành động “Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản- FLEGT” với EU dự kiến kết thúc đàm phán cuối năm nay sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Ngày đăng: 31-07-2014

3,218 lượt xem

Gỗ và sản phẩm đồ gỗ là 1 trong 5 nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với kim ngạch năm 2013 đạt 5,5 tỷ USD, trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 30% nhưng luôn đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

 

EU yêu cầu nhà nhập khẩu phải giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp với việc tuân thủ các quy định luật pháp hiện hành của quốc gia khai thác gỗ. Sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu vào EU chỉ được coi là hợp pháp và không phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc nếu có giấy phép FLEGT, giấy phép này chỉ được cấp bởi các quốc gia đã kết thúc đàm phán và ký kết VPA/FLEGT với EU.

 

VPA/FLEGT: Đồ gỗ Việt nam thuận đường vào EU

Hội thảo về VPA/FLEGT

9 phụ lục đàm phán gồm:

Danh mục hàng hóa; định nghĩa gỗ hợp pháp; điều kiện cho phép lưu thông tự do các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT của Việt Nam; quy trình, thủ tục cấp phép FLEGT; hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ (TLAS); đề cương giám sát độc lập hệ thống TLAS; tiêu chí đánh giá tính độc lập của TLAS; công bố thông tin; chức năng của ủy ban thực hiện hỗn hợp (JIC).

Tại cuộc tập huấn truyền thông nâng cao năng lực cung cấp thông tin cho DN và cộng đồng về VPA/FLEGT vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Tường Vân- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đàm phán VPA/FLEGT- khẳng định: Đến nay, hai bên cơ bản đã đàm phán hầu hết nội dung và các phụ lục (9 phụ lục), thống nhất căn bản 7 phụ lục (1,2,3,4,5,8, 9). Về định nghĩa gỗ hợp pháp theo pháp luật hiện hành Việt Nam, hai bên đã thống nhất về 8 nguyên tắc cơ bản và chia ra 2 nhóm đối tượng là hộ gia đình, tổ chức; nhất trí về quy trình nộp giấy phép, kiểm tra tính hiệu lực của giấy phép, xác minh giấy phép, cơ quan cấp phép FLEGT Việt Nam, giấy phép cấp theo chuyến hàng, thống nhất về quy trình, thủ tục cấp và gia hạn giấy phép…

 

Tuy nhiên, nội dung đàm phán cũng còn một số vướng mắc. Các vấn đề như kiểm soát gỗ nhập khẩu, gỗ cao su (cao su ở Việt Nam coi là cây công nghiệp, không coi là cây lấy gỗ), gỗ tịch thu… vẫn chưa thống nhất. Việc thiết lập Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS) để cấp phép FLEGT còn vướng ở chỗ làm thế nào vừa bảo đảm kiểm soát, xác minh đáp ứng được các yêu cầu của EU nhưng vẫn hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động của DN, chủ rừng, không làm tăng chi phí cho DN...

 

Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có 2 vòng đàm phán cấp chuyên viên và cấp cao cũng như một số cuộc kiểm chứng hiện trường. Trên cơ sở đó, hai bên cố gắng giải quyết các vướng mắc và kết thúc đàm phán.

 

Theo Lan Ngọc báo công thương

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

 

GIÁ GỖ MỚI NHẤT