Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Thiếu năng lực để nhận đơn hàng lớn

Trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng khác trong nhóm nông lâm thủy hải sản có dấu hiệu chững lại thì ngành chế biến gỗ tiếp tục tăng trưởng. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), nhiều doanh nghiệp thậm chí trong tình trạng “quá tải” đơn hàng; có doanh nghiệp không đủ sức để nhận đơn hàng lớn.

Ngày đăng: 28-05-2013

2,010 lượt xem

Ngày 27-5, bên lề buổi xúc tiến kinh doanh phát triển cụm công nghiệp với đoàn doanh nghiệp Ý, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa cho hay nhu cầu thị trường Mỹ, Nhật, hai thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, đang có nhu cầu rất lớn.

 

Nhà nhập khẩu của 2 thị trường này cũng tiếp tục xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, xu hướng hình thành cách đây nhiều tháng trước. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ mới phù hợp với các dòng hàng trung cấp, nên Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này.

 

Ông Thắng cho hay, quy mô sản xuất cực lớn của các doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc, có khả năng làm ra sản phẩm nội thất có giá thấp hơn đến 20% so với Việt Nam.

 

“Khách hàng biết điều này nên yêu cầu chỉ cần mình làm sản phẩm có giá bằng hoặc nhỉnh hơn hàng Trung Quốc một chút sẽ lập tức mua ngay”, ông Thắng nói.

 

Chính vì vậy, theo ông Thắng, mới có tình trạng đơn hàng nhiều nhưng có doanh nghiệp làm không hết, có doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.

 

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Thiếu năng lực để nhận đơn hàng lớn

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Thiếu năng lực để nhận đơn hàng lớn

 

Do vậy, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, nâng cao năng lực sản xuất để tiếp nhận luồng đơn hàng là vấn đề cần thiết với các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay.

 

Ông Thanh cho hay, Ý là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thị trường thế giới. Hàng hoá của Ý đa phần là các sản phẩm cao cấp, trình độ chế tác cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ở châu Âu, các doanh nghiệp ở đây có xu hướng mở rộng hợp tác ra quốc tế, dẫn đến hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước hiện nay.

 

Theo ông Thanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Ý đã sang Việt Nam hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Ý sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến gỗ chuyên nghiệp, thông qua phối hợp giữa Hawa và Phòng Thương mại và Công nghiệp các tỉnh Pordenone, vùng Unioncemere Emilia – Romagna.

 

Theo saigontime

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

 

GIÁ GỖ MỚI NHẤT