Rừng trồng được xem là nguồn nguyên liệu ổn định giúp ngành đồ gỗ trong nước phát triển, hạn chế được tình trạng phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ.
Ngày đăng: 23-05-2017
1,323 lượt xem
Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hằng năm đạt từ 6-7 tỉ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ nhiều nước trên thế giới với kim ngạch từ 2,2-2,3 tỉ USD/năm, trong khi năng lực phát triển rừng trồng trong nước có nhiều tiềm năng. Nếu phát triển tốt việc trồng rừng sẽ giảm được số ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu gỗ đáng kể. Chưa hết, phát triển rừng trồng còn góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường hiệu quả...
Nhu cầu gỗ hợp pháp là xu thế
Hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, bao gồm cả gỗ tròn và gỗ xẻ, với giá trị nhập khẩu là 2,2-2,3 tỉ USD. Lượng cung gỗ có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới đang có sự biến động lớn trong những năm gần đây. Chẳng hạn, lượng cung tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông sụt giảm mạnh, chủ yếu do các chính sách cấm xuất khẩu từ những quốc gia này. Chưa hết, Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, theo đó, Trung Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu mỗi năm; đồng nghĩa với việc nguồn gỗ từ Việt Nam sẽ "chảy" mạnh hơn sang nước này, từ đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) gỗ trong nước.
Xu hướng thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng, đặc biệt để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào các thị trường có những đòi hỏi chặt chẽ về tính pháp lý của nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào như Mỹ, châu Âu ngày càng lớn. Nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng ngày càng được ưa chuộng và là một trong những nguồn cung quan trọng cho ngành gỗ. Sử dụng sản phẩm gỗ hợp pháp hiện nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các DN xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường EU cũng phải chú ý với nhiều thách thức từ chương trình FLEGT của EU. Theo đó, chương trình này nghiêm cấm các nhà nhập khẩu đồ gỗ châu Âu tham gia phân phối, lưu thông trên thị trường EU các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ khai thác bất hợp pháp. Do đó các DN xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này phải triển khai chương trình quản lý rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu cũng như sản phẩm đồ gỗ hoàn chỉnh trên cơ sở quy định pháp lý của EU.
Doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hiện nay vẫn còn sử dụng nhiều gỗ nguyên liệu nhập khẩu
Chế biến thô còn nhiều
Phát triển rừng trồng có vai trò quan trọng đối với ngành chế biến gỗ và dăm gỗ xuất khẩu. Được biết, sản lượng nguồn gỗ rừng trồng trong nước khai thác hằng năm hiện khoảng 20 triệu m3, trong đó có khoảng 80% nguồn gỗ này là gỗ có đường kính nhỏ được sử dụng làm nguyên liệu dăm và MDF. Phần còn lại 20% được sử dụng sản xuất các sản phẩm đồ gỗ chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, cần nhiều mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng. Được biết, mô hình này đã được hình thành trong nhiều năm qua và đã có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên, những mô hình hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu cũng như mang lại hiệu quả cao. Các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty và hộ trồng rừng vẫn còn mang tính chất tự phát, được hình thành chủ yếu do nhu cầu kết nối của công ty và hộ trồng rừng.
Hiện có khoảng 60%-70% tổng lượng gỗ rừng trồng được khai thác hằng năm có nguồn gốc từ hộ trồng rừng, số còn lại từ DN và HTX. Từ đó cho thấy hộ gia đình có vai trò quan trọng trong việc trồng rừng. Có khoảng 70%-80% nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước được sử dụng làm dăm, phần còn lại được đưa vào chế biến đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó gỗ đưa vào chế biến có giá trị gia tăng lớn hơn so với gỗ đưa vào chế biến dăm.
Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước ngày càng quan trọng, trực tiếp góp phần giảm sự phụ thuộc của ngành chế biến gỗ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Sử dụng nguồn gỗ rừng trồng thay thế cho nguồn nhập khẩu còn giúp giảm thiểu rủi ro trong việc nhập khẩu các loại gỗ bất hợp pháp, từ đó cũng giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ.
Các chuyên gia trong ngành gỗ cho biết hiện có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu giữa 2 ngành chế biến dăm gỗ và chế biến đồ gỗ. Xuất khẩu dăm gỗ được xem là xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị gia tăng thấp, nếu phát triển ngành này sẽ làm kìm hãm sự phát triển của ngành chế biến gỗ do cạnh tranh về nguyên liệu.
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI
Gửi bình luận của bạn