Năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nhiều gỗ nguyên liệu từ những thị trường là Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Mianma, Thái Lan… Hiện nhu cầu tiêu thụ gỗ trên thế giới đang có xu hướng ngày càng tăng trong khi nguồn cung gỗ toàn cầu ngày càng bị thắt chặt, do vậy giá gỗ nguyên liệu dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Ngày đăng: 21-05-2013
2,550 lượt xem
1. Kim ngạch nhập khẩu.
Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 315 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 3, nhập khẩu nhóm hàng này đạt kim ngạch 113,3 triệu USD, tăng 26,5% so với tháng trước đó nhưng giảm 15,4% so với tháng 3 năm ngoái.
2. Thị trường nhập khẩu.
Sau khi giảm mạnh trong tháng 2, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ nhiều thị trường trong tháng 3/2013 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Số lượng thị trường có mức tăng trưởng cao trên 100% chiếm tới hơn 60% trong tổng số thị trường nhập khẩu của Việt Nam.
Trong quý I đầu năm nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc nhiều nhất. Trong đó, nhập khẩu từ Mỹ đạt 43,7 triệu USD, tăng nhẹ 1,48% so với cùng kỳ năm 2012 (chiếm tỷ trọng 13,9% trong tổng kim ngạch); nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 35 triệu USD, giảm 11,34% so với cùng kỳ năm 2012 (chiếm tỷ trọng 11,2% trong tổng kim ngạch).
Gỗ xẻ sấy nhập khẩu
Nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường Mỹ dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do thị trường nhà đất Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ và đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng trong năm nay.
Mỹ là một trong những thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Theo các doanh nghiệp ngành gỗ, do yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp về gỗ của Mỹ nghiêm ngặt với đạo luật Lacey nên họ ưu tiên dùng gỗ nguyên liệu nhập từ Mỹ để tránh gặp rắc rối. Bên cạnh đó, sản lượng lớn và chủng loại đa dạng cũng khiến cho Mỹ trở thành nhà cung cấp gỗ chủ yếu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Ngoài 2 thị trường trên, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều gỗ từ 2 thị trường khác là Malaysia và Mianma, với kim ngạch đạt lần lượt là trên 20 triệu USD và 14,7 triệu USD. Như vậy, trong 3 tháng qua, nhập khẩu từ Malaysia đã giảm trên 17% do nguồn cung gỗ tại nước này đang dần cạn kiệt trong khi đó nhập khẩu từ Mianma lại tăng khá mạnh là 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bắt đầu từ 1/4/2014, Bộ bảo tồn tài nguyên môi trường và lâm nghiệp Mianma sẽ ngừng xuất khẩu gỗ để đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên chính của đất nước.
Như vậy, trong khi nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới đang ngày càng bị thu hẹp thì mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có quyết định là từ năm 2014 sẽ cấm khai thác rừng tự nhiên một thời gian, tập trung khai thác rừng trồng, ưu tiên khuyến khích và tiến tới chỉ nhập khẩu gỗ có xuất xứ, đặc biệt tập trung vào những nước có chứng chỉ rừng như Mỹ và Canada. Với nhu cầu nguyên liệu chế biến sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng ngày càng tăng trong khi nguồn cung hạn hẹp, dự báo giá gỗ nguyên liệu sẽ có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
theo tin thương mại
Gửi bình luận của bạn