Trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục nhiều năm qua làm giá thành sản phẩm tăng cao thì đầu ra do ảnh hưởng của khủng hoảng kéo dài nên không thể tăng tương xứng.
Ngày đăng: 04-07-2013
2,888 lượt xem
Các mặt hàng nông lâm thủy sản đều gặp khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm cả về thị trường và giá trị. Trong đó, các mặt hàng nông sản giảm 10,5%, thủy sản chỉ tăng 0,9%, riêng mặt hàng gỗ chế biến có sự tăng trưởng ở mức 12,6%, đạt kim ngạch 2,46 tỷ USD so cùng kỳ là nét tích cực. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn bao vây các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Doanh nghiệp thấm đòn
Nếu xét về thị trường, nhất là những thị trường chính đều có sự tăng trưởng như Mỹ, nơi chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ chế biến, 5 tháng đầu năm tăng thêm 6,1%, Trung Quốc tăng 10,3%, Nhật Bản tăng 18,7%, trừ thị trường các nước châu Âu như Đức giảm 10,8%. Điều này phản ánh khá đầy đủ tình hình kinh tế các thị trường chính của ngành chễ biến gỗ Việt Nam. Tại Đại hội Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) nhiệm kỳ 2013-2015 vừa diễn ra, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết, thị trường Mỹ và Nhật Bản đã có sự phục hồi khá tốt nhưng thị trường châu Âu vẫn còn khá trì trệ, nhu cầu sụt giảm về các đơn hàng sản phẩm đồ gỗ ngoài trời.
Chính vì điều này nên nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực miền Trung và miền Bắc, khu vực tập trung sản xuất sản phẩm gỗ ngoài trời đều gặp khó khăn do khan hiếm đơn hàng. Trong khi các đơn hàng gỗ nội thất khu vực khác lại có phần tăng lên nhưng không thể một sớm một chiều có thể chuyển đổi công nghệ qua làm đồ gỗ nội thất như các DN khu vực phía Nam đã làm mấy năm qua.
Có thể nói, suy thoái kinh tế kéo dài hiện đang ngấm sâu vào từng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ. Trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục nhiều năm qua làm giá thành sản phẩm tăng cao thì đầu ra do ảnh hưởng của khủng hoảng kéo dài nên không thể tăng tương xứng.
Vì vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN ngành chế biến gỗ ngày càng thấp, thậm chí không có lời, khiến cho DN phải thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất. Điều đáng nói, không ít DN đã phải hủy bỏ hợp đồng sản xuất, chấm dứt với nhiều lao động có tay nghề do gặp khó khăn về đồng vốn... Chỉ riêng Hawa, trong số 78 hội viên bị xóa vì nhiều lý do, trong đó có khoảng 46 hội viên không liên lạc được hoặc ngừng hoạt động, 24 hội viên không hoàn thành nghĩa vụ, trong đó có lý do khó khăn.
Khó khăn còn phía trước
Dù 6 tháng đầu năm đạt 2,4 tỷ USD, tăng trưởng trên 12% nhưng tốc độ tăng trưởng này thấp hơn cùng kỳ năm 2012 là 17%. Sự tăng trưởng chậm lại cho thấy tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2013 ngành chế biến gỗ Việt Nam phải nói là còn nhiều khó khăn phía trước.
Mặc dù ngành này xuất khẩu theo mùa, từ tháng 9 đến cuối năm là giai đoạn hoạt động sôi nổi nhất, lượng đồ gỗ chế biến xuất khẩu có thể chiếm gần 50%. Nếu theo lệ thường, với đơn hàng hiện có của các DN có thể đạt kim ngạch 5,2 tỷ USD, thậm chí 5,3 tỷ USD, nhưng do DN bị ngấm đòn nên bản thân không ít DN đã phải hủy đơn hàng đã ký vì thiếu vốn, lao động; trong khi nhiều DN ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định sản xuất bị đình đốn vì khách hàng châu Âu sụt giảm nhu cầu hàng ngoại thất, năm nay dự kiến chỉ còn chiếm khoảng 5%-7% so với trước đây 20%-30% giá trị hàng xuất khẩu.
Trong các thị trường chính, chỉ hy vọng thị trường Mỹ là có thể đạt hoặc cao hơn năm 2012 là 1,7 tỷ USD. Thị trường Nhật Bản phục hồi sau động đất, đơn hàng chất lượng và giá trị cao bắt đầu tăng trở lại. Trong khi thị trường Trung Quốc dù mua lượng hàng khá lớn nhưng giá trị rất thấp, chủ yếu mua dăm gỗ nguyên liệu, có thể nhập từ Việt Nam 4 triệu tấn dăm gỗ so với con số 3,5 triệu tấn năm 2012 nhưng giá trị cũng chỉ trên dưới 800 triệu USD.
Trong khi đó, với đạo Luật Fleght có hiệu lực từ tháng 3-2013, các DN xuất khẩu hàng nội thất gặp không ít khó khăn về gỗ nguyên liệu chế biến có nguồn gốc hợp pháp với đầy đủ bộ chứng từ. Những thị trường chính nhập khẩu gỗ nguyên liệu về chế biến chỉ những nước phát triển như Mỹ, Canada… là có thể yên tâm về bộ chứng từ, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu. Những nước khác như Malaysia, Indonesia, Myanmar… diện tích rừng có chứng chỉ rừng (FSC) còn rất hạn chế. Vì vậy, về lâu dài nhà nước nên có chính sách để DN sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, trong đó có chính sách về vốn dài hạn để người trồng rừng kéo dài thời gian khai thác làm các sản phẩm gỗ chế biến thay vì bán làm dăm gỗ với giá thấp hiện nay.
theo sggp
Gửi bình luận của bạn