Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Lúng túng do thiếu vốn

Trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) đều giảm cả về sản lượng và kim ngạch thì XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 8 tháng qua vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, tới 11,6%. Lượng đặt hàng đồ gỗ tăng mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) phải từ chối vì không đủ năng lực sản xuất.

Ngày đăng: 23-09-2013

2,298 lượt xem


Lúng túng và đà phát triển thị trường

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tháng 8/2013 đạt kim ngạch 432 triệu USD, đưa giá trị XK ngành này 8 tháng đầu năm 2013 lên mức 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 3,5% trong 8 tháng đầu năm, với kim ngạch 918 triệu USD.


Trong 8 tháng qua, ngoại trừ thị trường Đức giảm 14,4%, Pháp giảm 2,2%, XK nhóm mặt hàng đồ gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh: Hoa Kỳ tăng 7,2%, Trung Quốc tăng 14,7%, Nhật Bản tăng 20,3%, Hàn Quốc tăng 48,2%.


Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, tổng hợp thông tin từ các DN chế biến gỗ, khối lượng các đơn đặt hàng năm nay tăng 20 - 30% so với năm 2012. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng từ khách hàng Nhật Bản của Công ty Bảo Hưng tăng 60%. Năm ngoái, doanh thu XK của Bảo Hưng đạt 5 triệu USD thì năm nay dự kiến tăng lên 8 triệu USD. Công ty Tavico đã nhận được đơn hàng tăng lên khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Công ty Đăng Long, đơn đặt hàng về DN này tăng 30%, chủ yếu là khách hàng Mỹ.

 

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Lúng túng do thiếu vốn

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Lúng túng do thiếu vốn

 

Những thị trường XK chủ đạo của hàng gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang trên đà phục hồi. Cùng với nhu cầu thế giới tăng trưởng trở lại, DN Việt Nam còn nhận được nhiều hợp đồng XK từ Trung Quốc chuyển qua. Theo ông Quyền, giá nhân công Trung Quốc tăng, đồng nội tệ mạnh và các yếu tố chính sách khác của Trung Quốc làm phát sinh chi phí đầu vào khiến DN chế biến đồ gỗ đang đầu tư tại Trung Quốc phải chuyển sang các nước khác để gia công.
 

Thế nhưng, vấn đề nảy sinh hiện nay là các DN chế biến gỗ đang lo không tận dụng hết cơ hội từ thị trường. Nhiều DN thậm chí trong tình trạng “quá tải” đơn hàng, vì không đủ sức để nhận đơn hàng lớn. Theo ông Lê Trí Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Lợi (Bình Dương), mấy tháng qua, đơn vị đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài do năng lực sản xuất không thể đáp ứng.


Theo Viforest, thị trường có nhiều tín hiệu khả quan nhưng các DN lại đang ở thế lúng túng. Sở dĩ dẫn đến tình trạng này là do, những năm trước (2009-2011), XK đồ gỗ của Việt Nam sụt giảm bởi ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới khiến nhiều DN sa thải bớt công nhân, bán bớt máy móc để có tiền trả lãi ngân hàng, tái cơ cấu sản xuất. Năm nay, khi đơn đặt hàng tăng đột biến, không kịp đầu tư máy móc, tuyển công nhân, đào tạo nhân lực. Bây giờ hầu hết các DN ngành gỗ không dám nhận hợp đồng giao ngắn hạn vì không đủ năng lực về tài chính, nhân công, nguyên liệu.
 

Không nên để khách hàng bỏ đi

Trên thực tế, hoạt động của các DN chế biến đồ gỗ XK ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập: đầu tư theo hướng dàn trải, không đầu tư chuyên sâu, chi phí sản xuất tăng cao, thời gian giao hàng cho khách hàng không đúng lịch… Hầu hết DN thiếu liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giẫm đạp lên nhau vì lợi ích cá nhân mà quên đi tính cộng đồng. Kim ngạch XK đồ gỗ 8 tháng đầu năm 2013 tăng mạnh nhưng thị phần chủ yếu rơi vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài, do họ có nguồn khách hàng ổn định, nhà xưởng quy mô và nguồn vốn lớn.

 

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Lúng túng do thiếu vốn
Khách nước ngoài tìm hiểu đồ gỗ tại hội chợ

 

Nguy cơ lớn nhất đối với nhiều DN đồ gỗ hiện nay là, khi bị từ chối đơn hàng, nhiều khách hàng nước ngoài sẽ bỏ đi, đặt hàng ở nước khác. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo: “DN phải tìm cách tăng cường năng lực sản xuất và nhân công lành nghề... Năm nay là thời điểm tốt để làm mới, đón đầu cơ hội”.
 

Theo Viforest, đối sách thị trường cần phải tập trung vào chiến lược: “Khách hàng đã vào thì không cho ra”. DN cần phải nhạy bén, dám chấp nhận những đơn hàng lớn và đảm bảo thời gian giao hàng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ thị trường để có đầu ra phù hợp với thực lực của DN. Với DN đang còn yếu sức, khó đáp ứng khối lượng đặt hàng lớn, cần liên kết, xây dựng mô hình nhóm DN hỗ trợ trong sản xuất, gia công, có sự phân công chuyên môn hóa về chủng loại sản phẩm, chi tiết sản phẩm... DN lớn, có tiềm năng, cần quan tâm hỗ trợ, chia sẻ với DN bạn về đơn hàng, kinh nghiệm quản lý, vốn kinh doanh, liên kết sản xuất với DN nhỏ…
 

Năm 2012, kim ngạch XK đồ gỗ và lâm sản đạt 4,67 tỉ USD, tăng 15,3% so năm 2011. Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo, kim ngạch XK đồ gỗ năm 2013 đạt 5,5 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành nước có kim ngạch XK gỗ lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và thứ 6 trên thế giới. Thế nhưng, trong tổng giá trị giao thương ngành gỗ toàn cầu mỗi năm lên đến 96,7 tỷ USD, Việt Nam mới chiếm 2,68%. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực về công nghệ sản xuất và chính sách về công nghiệp phụ trợ. Nếu có chính sách, biện pháp phù hợp, ngành chế biến gỗ có thể đạt kim ngạch XK 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030.

 

theo kinhtenongthon

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

 

GIÁ GỖ MỚI NHẤT