‘Siết’ khai thác rừng tự nhiên, ‘thắt’ nhập khẩu gỗ

“Năm 2014 sẽ cấm khai thác rừng tự nhiên một thời gian; quản lý chặt chẽ nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên và giảm sản lượng ngay từ bây giờ’.Đó là tuyên bố của ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại Diễn đàn đối thoại chính sách Phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gỗ bền vững tại Việt Nam diễn ra ngày 29/3 tại TP.HCM.

Ngày đăng: 08-04-2013

2,429 lượt xem

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, đối với ngành khai thác gỗ rừng trong nước, Bộ chỉ đạo tập trung vào khai thác rừng trồng, hạn chế tối đa khai thác gỗ rừng tự nhiên; đối với gỗ nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích và tiến tới chỉ nhập khẩu gỗ có xuất xứ, đặc biệt tập trung vào những nước có chứng chỉ rừng như Mỹ, Canada.

 


Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong nước đang cần bộ tiêu chuẩn quản lý bền vững
 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2012, ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay (4,67 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011) và là một trong những ngành có tỷ trọng xuất siêu cao so với một số ngành khác.

 

Tuy nhiên, sang năm 2013, dự báo lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu gỗ, lâm sản có thể sẽ gặp một số trở ngại do những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước. Ở trong nước, nguồn nguyên liệu gỗ thiếu ổn định, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, dây chuyền chế biến lạc hậu, chưa xây dựng được chứng chỉ quản lý rừng.

 

Cái khó lớn nhất hiện nay của ngành gỗ trong nước là kẽ hở trong khâu kiểm soát rừng trồng. Tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất trồng rừng giữa người dân sở tại và các công ty lâm nghiệp diễn ra phổ biến và phức tạp. Hầu hết các địa phương không có quy hoạch, kế hoạch khai thác hàng năm cũng như dài hạn mà chủ yếu do các chủ rừng khai thác tự phát theo nhu cầu thị trường.

 

Chính vì vậy, nhiều địa phương không xác định được chính xác sản lượng khai thác hàng năm trên địa bàn. Do đó, không định hướng được công tác chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng một cách bài bản.

 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành gỗ trong nước phụ thuộc phần lớn vào dăm gỗ xuất khẩu (chiếm trên 80%). Loại này cho giá trị kim ngạch rất thấp. Do đó lợi nhuận thu được từ khai thác rừng không cao. Với thực tế này, trong trường hợp thị trường không tiêu thụ sản phẩm dăm mảnh thì sẽ rất khó khăn cho người trồng rừng trong nước.

 

Theo các chuyên gia, xu hướng các thị trường nhập khẩu gỗ đòi hỏi phải có nguồn gốc hợp pháp, có chứng chỉ FSC. Trong khi đó, đa số diện tích rừng trồng hiện tại của người dân rất manh mún, việc xác định nguồn gốc hợp pháp hoặc cấp chứng chỉ đối với gỗ của hộ gia đình là rất khó khăn.

 

Mặt khác, Viêt Nam chưa có bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững, việc đánh giá hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài, chi phí đánh giá cao.

 

Đây chính là những nguyên nhân mà gỗ rừng trồng trong nước chưa được sử dụng nhiều để sản xuất sản phẩm mộc xuất khẩu nhằm mang lại giá trị kim ngạch cao.

 

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ kiến nghị, trong thời gian này, khi chưa đủ điều kiển đầu tư để năng cao chất lượng, cũng như kích thước gỗ rừng trồng trong nước, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ chế biến rừng trồng có đường kính nhỏ tạo ra các sản phẩm có giá trị, từng bước giảm dần tỷ lệ xuất khẩu dăm mảnh.

 

Trước những khó khăn này, ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, để hỗ trợ các chủ rừng kinh doanh rừng bền vững cần tiến hành xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, và xây dựng đề án thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam ngay trong năm 2013 nhằm phù hợp với những yêu cầu và xu thế của các thị trường xuất khẩu.

 

theo toquoc.vn

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

 

GIÁ GỖ MỚI NHẤT