Lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn được đánh giá là một trong số ít ngành nghề có giá trị xuất khẩu cao, ổn định. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn lo ngại về tính bền vững của hàng gỗ Việt do còn nhiều bị động ở khâu tìm thị trường đầu ra cũng như phụ thuộc nguyên liệu ngoại nhập. Trong khi đó, việc quy hoạch, quản lý, khai thác, rừng trong nước vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Ngày đăng: 02-04-2013
2,347 lượt xem
Xuất khẩu nhiều chuyển biến
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2012 xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 4,67 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011, vượt gần 7% so với kế hoạch. Năm 2012, xuất khẩu gỗ và lâm sản là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ xuất siêu cao so với cả nước (khoảng 3 tỷ USD, tương đương 65%).
Thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ chỗ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc…để tái xuất sang một nước thứ ba, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường của người tiêu dùng. Năm 2012, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với khoảng hơn 3.000 các cơ sở chế biến và hơn 300 doanh nghiệp trồng rừng trong cả nước đã tạo thêm được nhiều việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng.
Tại Diễn đàn về chủ đề Doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu gỗ năm 2013, do Bộ NN và PTNT tổ chức ngày 29-3 tại TP.Hồ Chí Minh, ông Võ Đại Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, xuất khẩu gỗ và lâm sản là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ xuất siêu cao với một số lĩnh vực khác (trên 3 tỷ USD, tương đương 65%). Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn là nội thất trong nhà, ngoài trời, dăm mảnh nguyên liệu. Các địa phương chiếm tỷ trọng lớn là: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đạt trên 1 tỷ USD, tỉnh Bình Định trên 200 triệu USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2013, ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt khoảng 831 triệu USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Tìm giải pháp bền vững cho ngành chế biến gỗ Việt nam
Sớm khắc phục vướng mắc
Các doanh nghiệp phản ánh, tuy mức đầu tư lớn nhưng lợi nhuận của ngành chế biến xuất khẩu gỗ lại khá thấp, nhất là các doanh nghiệp trong nước với sản xuất hàng nội thất, ngoài trời. Do đó, thực chất lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất hàng mộc xuất khẩu chỉ đạt 5% giá trị xuất khẩu. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, trong những năm tới việc cung cấp gỗ trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, chất lượng gỗ vẫn chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, phục vụ cho sản xuất giấy và ván nhân tạo, trong khi gỗ rừng có đường kính lớn để sản xuất đồ mộc xuất khẩu còn rất hạn chế. Ông Quyền kiến nghị, cần phải có biện pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lâm sản ở Việt Nam, chuỗi đó bao gồm: trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại. Cả 4 khâu đó cần phải được thực hiện các giải pháp đồng thời như: ứng dụng công nghệ, giải pháp thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN và PTNT, hiện nay tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất trồng rừng giữa người dân sở tại và các Công ty Lâm nghiệp diễn ra rất phổ biến và phức tạp. Nguyên nhân của trình trạng này theo ông Võ Đại Hải một phần là do người dân thiếu đất canh tác, nhưng chủ yếu vẫn là tình trạng xâm lấn, gom đất để sang nhượng trái phép hoặc yêu sách đối với các công ty để được đền bù. Hầu hết các địa phương không có quy hoạch, kế hoạch khai thác hàng năm cũng như dài hạn mà chủ yếu là do các chủ rừng khai thác tự phát theo nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, ở địa phương, không định hướng được công tác chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng một cách bài bản. Lợi nhuận thu được từ khai thác rừng còn thấp.
theo báo đại đoàn kết
Gửi bình luận của bạn