Hội thảo thương mại gỗ Việt Nam – Lào

Ngày 7/12/2012, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Trị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo thương mại gỗ Việt Nam – Lào: Thực trạng và biện pháp hướng tới mục tiêu thương mại bền vững

Ngày đăng: 13-12-2012

2,250 lượt xem

Đến dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương; Lê Thị Long Hương, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đồng chí thuộc Tổng cục Hải Quan, các cơ quan Bộ, ngành Trung ương liên quan.


Về phía tỉnh có đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Quảng Trị, cùng đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan, các Hiệp hội gỗ và làng nghề, các Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp Lào.
Trong những năm qua, thương mại gỗ giữa Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển rất quan trọng. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn gỗ từ Lào nhằm đáp ứng nhu cầu về sản phẩm gỗ trong nước và xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu từ Lào và Việt Nam lên tới hàng trăm triệu đô la. Thương mại gỗ giữa hai quốc gia vẫn đang trên đà phát triển.

 

Hội thảo thương mại gỗ Việt Nam – Lào

Hội thảo thương mại gỗ Việt Nam – Lào


Tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan và cùng chung cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với Lào, Quảng Trị là một trong những địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thương mại gỗ giữa Lào và Việt Nam. Trung bình mỗi năm có trên 100.000 m3 gỗ được nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo, với kim ngạch lên tới 200 triệu đô la. Hàng năm có trên 150 doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu này.


Cùng với Quảng Trị, Kon Tum với cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nằm trên biên giới tiếp giáp với tỉnh Attapue của Lào cũng là một tỉnh quan trọng về thương mại gỗ với Lào. Những năm gần đây, lượng gỗ nhập khẩu qua cửa khẩu Bờ Y từ Lào vào khoảng trên dưới 150.000 m3, với kim ngạch khoảng 40 – 50 triệu đô la hàng năm.


Tuy nhiên, thương mại gỗ giữa 2 quốc gia đang tiềm ẩn một số rủi ro và điều này phản ánh tính chưa bền vững. Thời gian gần đây, một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã có nghi ngờ về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam. Các tổ chức này cho rằng đã có một lượng gỗ không nhỏ được khai thác bất hợp pháp tại các cánh rừng của Lào. Chính những quan ngại này đã và đang có những tác động rất tiêu cực đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam.


Từ đó, nhằm chuẩn bị cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan cấp địa phương, các cá nhân, tổ chức tham gia vào buôn bán và sử dụng gỗ của Lào nắm bắt và đáp ứng được các yêu cầu có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ. Tại Hội thảo, các đại biểu cùng các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, trao đổi nhằm mục đích làm rõ các mục tiêu: Nắm bắt thực trạng về thương mại gỗ giữa Lào và Việt Nam, tập trung vào 2 cửa khẩu chính là Lao Bảo và Bờ Y; Cập nhật thông tin cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp của cả 2 quốc gia về một số quy định mới có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ tại một số thị trường xuất khẩu; Nâng cao trách nhiệm xã hội và môi trường của các doanh nghiệp gỗ của 2 quốc gia, từ đó góp phần thực hiện thương mại gỗ bền vững trong tương lai; Đưa ra các kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm đảm bảo việc nhập khẩu gỗ từ Lào và Việt Nam được thuận lợi và hạn chế đến mức tối đa việc thương mại gỗ bất hợp pháp giữa 2 bên.


Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Quảng Trị đã đánh giá cao sự chia sẻ trong các tham luận góp ý của các Doanh nghiệp trong việc đưa ra các kiến nghị về chính sách sao cho phù hợp, nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới về tính hợp pháp của gỗ từ thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó góp phần vào thực hiện thương mại gỗ bền vững giữa Lào và Việt Nam.

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

 

GIÁ GỖ MỚI NHẤT