Được xếp vào danh sách các nhà sản xuất đồ gỗ lớn nhất thế giới (đứng thứ 6 thế giới), Việt Nam đã xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ tới gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn.
Ngày đăng: 17-12-2012
2,439 lượt xem
Cơ hội
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA nhận định: Ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Hiện, chúng ta đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, đứng thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á. Mặc dù tình trạng suy thoái kinh tế vẫn còn ảnh hưởng nhưng đây lại là cơ hội hiếm có nếu DN ngành gỗ biết nắm bắt tình hình.
Cụ thể, theo ông Thắng, hiện Trung Quốc không còn khuyến khích chế biến gỗ ở vùng ven biển mà đẩy vào sâu nội địa, làm tăng giá thành sản phẩm, do đó các nước nhập khẩu chuyển sang Việt Nam với giá cạnh tranh hơn. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang khan hiếm lao động ngành gỗ và nhân công cao nên Việt Nam trở thành đối tác lớn, tin cậy của bạn hàng, và đây là lý do để DN giành thị phần. Ngoài ra, thị trường nội địa có nhu cầu về đồ gỗ rất lớn, nhưng các DN gỗ đang “bỏ ngỏ”.
“Áp lực cạnh tranh cao nhất mà DN gỗ Việt Nam phải vượt qua là chứng minh được nguồn gốc sản phẩm gỗ, có chứng chỉ chứng minh gỗ hợp pháp. Vì vậy, áp lực giá cả đầu vào ngày một tăng, dẫn đến giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng”, ông Thắng cảnh báo.
Hiện, tổng giá trị sản xuất đồ gỗ của Việt Nam đạt 5,17 tỉ USD (chiếm 2% thế giới) và để đạt 15-20 tỉ USD trong vòng 15 năm tới, ngành chế biến gỗ cần phải có vùng nguyên liệu ổn định. Đặc biệt, để chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng ta cần có những chính sách dài hơi như: cho nông dân vay vốn đầu tư trồng rừng dài hạn; đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, tăng cường tự động hóa để tăng tính cạnh tranh.
Điều quan trọng là chúng ta cần cơ cấu lại ngành chế biến gỗ, bởi lâu nay đa phần các DN chỉ phát triển tự phát, “ôm đồm”, muốn làm từ A đến Z nên không đủ sức quản lý, dẫn đến hao hụt trong sản xuất, phân phối. Nếu làm tốt những điều này thì khi “cơn bão” khủng hoảng đi qua, Việt Nam sẽ chiếm lĩnh được thị trường châu Âu - nơi người dân chuộng đồ gỗ trong nhà.
Ngành chế biến gỗ cần cơ cấu lại
“Quên” thị trường trong nước
Hiện nay, đa phần các DN sản xuất đồ gỗ phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bởi nguyên liệu gỗ rừng trồng và rừng tự nhiên trong nước ngày càng hạn hẹp, không đủ nguồn cung cho sản xuất.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), đa số DN đều sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu hợp pháp, tuy nhiên, để giảm giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất, vẫn có một số DN lựa chọn phương án sử dụng gỗ chưa đạt chứng chỉ rừng, bao gồm cả gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước và gỗ nhập khẩu. Điều này không chỉ làm thay đổi cơ cấu của rừng tự nhiên mà còn đồng nghĩa với việc DN tự thu hẹp thị trường xuất khẩu. Do đó, vai trò của việc quản lý rừng bền vững rất quan trọng đối với DN.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đồ gỗ ở trong nước ngày càng tăng, đồng thời người tiêu dùng cũng đòi hỏi ngày càng cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Nhận thấy điều này, các DN sản xuất đồ gỗ ở nước ngoài đã tràn vào Việt Nam, chủ yếu sản xuất đồ gỗ trang trí nội - ngoại thất. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đã kém năng động, làm mất ưu thế của mình tại “sân nhà”. Và điều đáng buồn là, các DN của chúng ta xuất nhiều ra nước ngoài, nhưng lại không có thiết kế riêng cho thị trường trong nước, để các DN ngoại tha hồ hưởng trọn “miếng bánh” này.
Gửi bình luận của bạn