Năm 2013, thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm 2012, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đối mặt với những thách thức nghiêm ngặt.
Ngày đăng: 04-03-2013
2,249 lượt xem
Ông Hạnh đánh giá thị trường Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam trong năm nay, trong khi thị trường truyền thống là EU sẽ suy giảm, thậm chí có thể tăng trưởng âm. Nguyên nhân do kể từ tháng 3.2013, EU áp dụng “quy định về trách nhiệm giải trình” đối với đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường này. Theo đó, các doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ. Bất kỳ lô hàng gỗ/sản phẩm gỗ nào mà doanh nghiệp nhập khẩu mua phải được sản xuất theo quy định hiện hành của luật pháp tại quốc gia khai thác gỗ và theo quy chế của EU về gỗ.
Ngày 1.3, ông Huỳnh Văn Hạnh - phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2012 vẫn đạt tới 4,67 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 18% so với năm trước, trong đó thị trường Mỹ tăng trưởng đến 24,4%, Trung Quốc 14,3%, Nhật Bản 12,5%.
Quy chế của EU về gỗ là một văn bản pháp lý của EU trong đó áp dụng quy định cấm nhập khẩu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường này. Quy chế của EU về gỗ đặt ra các thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh gỗ ở EU nhằm giảm thiểu nguy cơ buôn bán gỗ bất hợp pháp. Quy chế này áp dụng cho cả gỗ nhập khẩu và gỗ sản xuất trong nước thuộc liên minh. Do đó, theo ông Hạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam bắt buộc phải chấp hành quy định này và cách tốt nhất là đàm phán kỹ với các nhà nhập khẩu sản phẩm, cung cấp cho họ đầy đủ lý lịch sản phẩm, vì khi đó trách nhiệm giải trình sẽ thuộc về các nhà nhập khẩu.
Theo hiệp hội Ngành công nghiệp đồ gỗ ASEAN, hiện nay Việt Nam đang là nước dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phần lớn tập trung sản xuất theo các đơn đặt hàng từ nước ngoài, phần lớn các khâu từ thiết kế sản phẩm đến phân phối đều phụ thuộc khách hàng. Điều này khiến sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp giảm sút. Việc xây dựng hệ thống tiếp thị và phân phối phối sản phẩm đòi hỏi đầu tư rất nhiều chi phí và nhân lực, nhưng trong tình hình tài chính hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không đủ sức.
Mỹ sẽ là thị trường chủ lực Xuất khẩu đồ gỗ 2013
Cũng trong ngày 1.3, Hawa công bố hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 6 - Vifa 2013 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14.3 tại trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM. Theo ban tổ chức, đến đầu tháng 3.2013, hội chợ đã có 126 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 603 gian hàng, tương đương với năm 2012. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam và 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hong Kong, Pháp, Canada… chiếm tỷ lệ 15%. Đến nay, hội chợ đã nhận được đăng ký tham quan qua website của trên 900 khách từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, phòng Thương mại Ý cho biết sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp Ý đến tham quan VIFA 2013 để có kế hoạch tham gia triển lãm sản phẩm tại VIFA 2014.
Trong khuôn khổ VIFA 2013, sẽ có các cuộc hội thảo chuyên ngành như hội thảo "Các tiêu chuẩn an toàn hàng hóa vào Mỹ và yêu cầu chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm FSC - CoC đối với thị trường châu Âu" do Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), công ty TNHH TUV SUD PSB Việt Nam và Hawa phối hợp tổ chức; hội thảo “giới thiệu Trung tâm đào tạo HAFELE và dự án đào tạo di động” do công ty Hafele, chương trình Hỗ trợ lâm nghiệp Việt - Đức (GIZ) và Hawa phối hợp thực hiện.
Gửi bình luận của bạn